GPLAW - Giải pháp luật

Thủ tục xem xét sự tồn tại, hiệu lực , tính khả thi của thỏa thuận trọng tài


Thủ tục xem xét sự tồn tại, hiệu lực, tính khả thi của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của hội đồng trọng tài.

Thủ tục xem xét sự tồn tại, hiệu lực, tính khả thi của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của hội đồng trọng tài.

1. Thẩm quyền xem xét của Hội đồng trọng tài

Trong quá trình tố tụng trọng tài, chỉ có hội đồng trọng tài là cơ quan đầu tiên được xem xét thẩm quyền của chính mình. Tòa án chỉ can thiệp sau khi hội đồng trọng tài đã ra quyết định về vấn đề này nhưng một bên không đồng ý với quyết định đó.

Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, hội đồng trọng tài sẽ phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết (khoản 1 Điều 43 Luật trọng tài thương mại).

2. Khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm xem xét, quyết định (khoản 2 Điều 43 Luật trọng tài thương mại).

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định nói trên của hội đồng trọng tài, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho hội đồng trọng tài (khoản 1 Điều 44 Luật trọng tài thương mại).

Tòa án có thẩm quyền là Tòa án cấp tỉnh do các bên lựa chọn hoặc nơi hội đồng trọng tài ra quyết định (Điều 7 Luật trọng tài thương mại).

Đơn khiếu nại phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

(a) Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;

(b) Tên và địa chỉ của bên khiếu nại;

và (c) Nội dung yêu cầu

Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao đơn khởi kiện, thoả thuận trọng tài, quyết định của Hội đồng trọng tài. Trường hợp giấy tờ kèm theo bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và được chứng thực hợp lệ (khoản 3 Điều 44 Luật trọng tài thương mại).

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chánh án toà án có thẩm quyền phân công một thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khiếu nại. Cần lưu ý là trong khi Tòa án giải quyết đơn khiếu nại, hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp (khoản 4, 5 Điều 44 Luật trọng tài thương mại).

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét, quyết định. Thẩm phán có thể quyết định hội đồng trọng tài có hoặc không có thẩm quyền. Trong trường hợp toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Nếu không có thoả thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra toà án. Thời hiệu khởi kiện ra toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại trọng tài đến ngày toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện. Quyết định nói trên của toà án về thẩm quyền của hội đồng trọng tài, sự tồn tại và hiệu lực, cũng như khả năng thực hiện của thỏa thuận trọng tài là cuối cùng, không bị kháng cáo, kháng nghị (khoản 4 Điều 44 Luật trọng tài thương mại).

         Nguồn: Đặc sản tuyên truyền pháp luật số 07/2013


Xem Dịch vụ Tranh tụng tại Trọng tài thương mại

Hướng dẫn pháp lý khác

Liên hệ

LS. Nguyễn Thị Sắc

Luật sư cộng sự
0385507892
sacnt.92@gmail.com
LS. Nguyễn Thị Sắc