Một số vấn đề chung trong tố tụng trọng tài.
Một số vấn đề chung trong tố tụng trọng tài
2.1. Thời hiệu khởi kiện trọng tài
Thời hiệu để một tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc cá nhân đó bị xâm phạm. Tuy nhiên, trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2.2. Địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Các bên có quyền thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể trụ sở của tổ chức trọng tài, trụ sở của một trong các tranh chấp hoặc bất kỳ nơi nào khác mà các bên thấy phù hợp. Các bên cần chú ý lựa chọn một địa điểm thuận tiện cho quá trình giải quyết vụ kiện để tiết kiệm thời gian và chi phí. Trường hợp không có thoả thuận (có thể là các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được) thì hội đồng trọng tài quyết định nơi diễn ra thủ tục trọng tài. Khi ấy, hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp ở một địa điểm được xem là thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của hội đồng trọng tài, việc lấy lời khai của người làm chứng, tham vấn ý kiến các chuyên gia hoặc tiến hành việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác. Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
2.3. Ngôn ngữ trọng tài
Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, tức là không có bên nào là tổ chức, cá nhân nước ngoài, cũng không có tài sản ở nước ngoài, và quan hệ phát sinh tranh chấp không xác lập, thay đổi, chấm dứt tại nước ngoài, thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp này các bên không thể thỏa thuận khác và cho dù có thỏa thuận khác đi chăng nữa thì ngôn ngữ tiếng Việt vẫn được áp dụng. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.
Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận th́ ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.
2.4. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp
Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, hội đồng trọng tài phải áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Các bên không có quyền lựa chọn luật áp dụng.
Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất. Tranh chấp có yếu tố nước ngoài là tranh chấp phát sinh từ giao dịch mà một bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài, tài sản ở nước ngoài, hoặc quan hệ phát sinh tranh chấp được xác lập, thay đổi, chấm dứt tại nước ngoài.
Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
2.5. Thương lượng, hoà giải trong tố tụng trọng tài
Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Song cần lưu ý là, khác với Tòa án, thương lượng hòa giải không phải là một thủ tục bắt buộc trong tố tụng trọng tài. Nói cách khác, trọng sẽ không buộc các bên phải hòa giải mà sẽ chỉ công nhận kết quả thương lượng, hòa giải nếu các bên tự nguyện thực hiện như vậy. Một điểm cần chú ý nữa là kết quả của thương lượng và hòa giải là tương đối khác nhau, thương lượng sẽ dẫn đến đình chỉ tố tụng trọng tài, trong khi hòa giải sẽ dẫn tới quyết định hòa giải thành có giá trị thi hành.
Nguồn: Đặc sản tuyên truyền pháp luật số 07/2013