Hội đồng trọng tài phải có ít nhất một trọng tài viên. Cách thức thành lập hội đồng trọng tài và lựa chọn trọng tài viên rất đa dạng: do các bên lựa chọn, do các trọng tài viên khác lựa chọn (trong trường hợp bầu chủ tịch của hội đồng trọng tài gồm nhiều hơn một trọng tài viên), hoặc do người có thẩm quyền hoặc Tòa án lựa chọn.
1. Thành phần hội đồng trọng tài
Thành phần hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên (thường là ba trọng tài viên). Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng trọng tài viên thì hội đồng trọng tài bao gồm ba trọng tài viên.
2. Thành lập hội đồng trọng tài tại trung tâm trọng tài
Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn không quy định khác thì việc thành lập hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định pháp luật, cụ thể:
- Trường hợp có ba trọng tài viên:
Khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn phải chỉ định trọng tài viên của mình hoặc đề nghị trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên cho mình, nêu rõ tên và địa chỉ của người này.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn trọng tài viên do trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn trọng tài viên cho mình và báo cho trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên. Nếu bị đơn không chọn trọng tài viên hoặc không đề nghị chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày, chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên cho bị đơn.
Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện do trung tâm trọng tài gửi đến, các bị đơn phải thống nhất chọn trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu chỉ định trọng tài viên cho mình. Nếu các bị đơn không chọn được trọng tài viên, thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày, chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên cho các bị đơn.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày các trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định, các trọng tài viên này bầu một trọng tài viên khác làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Hết thời hạn 15 ngày mà việc bầu không thực hiện được, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn này, chủ tịch trung tâm trọng tài chỉ định chủ tịch hội đồng trọng tài.
- Trường hợp có một trọng tài viên:
Nếu các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, chủ tịch trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên duy nhất.
3. Thành lập hội đồng trọng tài vụ việc
Nếu các bên không có thỏa thuận khác thì việc thành lập hội đồng trọng tài vụ việc được thực hiện theo quy định pháp luật, cụ thể:
- Trường hợp có ba trọng tài viên:
Trong đơn khởi kiện của mình, nguyên đơn phải nêu rõ tên và địa chỉ của người được nguyên đơn chọn làm trọng tài viên.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải chọn trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết trọng tài viên mà mình chọn. Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, thì các bị đơn phải thống nhất chọn trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo. Nếu (các) bị đơn không thông báo cho nguyên đơn về trọng tài viên mà mình lựa chọn trong thời hạn 30 ngày nói trên và các bên cũng không có thỏa thuận khác về việc lựa chọn trọng tài viên thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các trọng tài viên bầu một trọng tài viên khác làm chủ tịch hội đồng trọng tài. Trong trường hợp không bầu được chủ tịch hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định chủ tịch hội đồng trọng tài.
- Trường hợp có một trọng tài viên:
Trong đơn khởi kiện của mình, nguyên đơn phải nêu rõ tên và địa chỉ của người được nguyên đơn đề nghị chỉ định làm trọng tài viên.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không thống nhất chọn được trọng tài viên thì có thể thỏa thuận yêu cầu một trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên. Nếu các bên cũng không đạt được thỏa thuận này thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên duy nhất.
- Một số vấn đề về trọng tài viên do Tòa án lựa chọn:
(a) Tòa án có thẩm quyền:
Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án được các bên lựa chọn.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của bị đơn nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của bị đơn nếu bị đơn là tổ chức. Trường hợp có nhiều bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong các bị đơn đó. Trường hợp bị đơn có nơi cư trú hoặc trụ sở ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn.
(b) Quy trình chỉ định:
Khoản 5 Điều 41 Luật trọng tài thương mại quy định trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của các bên về việc chỉ định trọng tài viên, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một thẩm phán chỉ định trọng tài viên và thông báo cho các bên. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định về thủ tục cụ thể mà thẩm phán phải tuân theo để xem xét và chỉ định trọng tài viên. Vì vậy trên thực tế có thể nảy sinh chậm trễ về mặt thời gian.
4. Thay đổi trọng tài viên
a) Các trường hợp thay đổi trọng tài viên:
Khoản 1 Điều 42 Luật trọng tài thương mại quy định trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp và các bên có quyền yêu cầu thay đổi trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp trọng tài viên:
- Là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;
- Có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;
- Có căn cứ rõ ràng cho thấy trọng tài viên không vô tư, khách quan;
- Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 42 Luật trọng tài thương mại, trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà trọng tài viên không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp hoặc bị thay đổi thì cũng chỉ định thay đổi trọng tài viên theo thủ tục tương tự.
b) Quy trình thay đổi trọng tài viên tại trung tâm trọng tài:
Kể từ khi được chọn hoặc được chỉ định, trọng tài viên phải thông báo bằng văn bản cho trung tâm trọng tài hoặc hội đồng trọng tài và các bên về những tình tiết có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của mình. Nếu trọng tài viên thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì phải từ chối giải quyết tranh chấp. Nếu trọng tài viên không từ chối thì các bên có quyền yêu cầu thay đổi trọng tài viên theo thủ tục sau:
Nếu hội đồng trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi trọng tài viên do chủ tịch trung tâm trọng tài quyết định (khoản 3 Điều 42 Luật trọng tài thương mại).
Nếu hội đồng trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi trọng tài viên do các thành viên còn lại của hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các trọng tài viên hay trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, chủ tịch trung tâm trọng tài quyết định về việc thay đổi trọng tài viên (khoản 3 Điều 42 Luật trọng tài thương mại).
Khi chủ tịch trung tâm ra quyết định thì quyết định này là quyết định cuối cùng, không bị khiếu nại hoặc kháng cáo. (khoản 5 Điều 42 Luật trọng tài thương mại).
c) Quy trình thay đổi trọng tài viên tại trọng tài vụ việc:
Đối với vụ tranh chấp do hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết, việc thay đổi trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các trọng tài viên hay trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của một hoặc các trọng tài viên nói trên, của một hoặc các bên tranh chấp, Chánh án toà án có thẩm quyền phân công một thẩm phán quyết định về việc thay đổi trọng tài viên (khoản 4 Điều 42 Luật trọng tài thương mại).
Tòa án có thẩm quyền là Tòa án do các bên thỏa thuận hoặc, trường hợp không có thỏa thuận, là Tòa án nơi hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp (khoản 2 Điều 7 Luật trọng tài thương mại).
Quyết định của Tòa án sẽ là quyết định cuối cùng, không bị khiếu nại hoặc kháng cáo (khoản 5 Điều 42 Luật trọng tài thương mại).
d) Tiếp tục thủ tục trọng tài sau khi thay đổi trọng tài viên:
Sau khi tham khảo ý kiến của các bên, hội đồng trọng tài mới được thành lập có thể xem xét lại những vấn đề đã được đưa ra tại các phiên họp giải quyết tranh chấp của hội đồng trọng tài trước đó (khoản 7 Điều 42 Luật trọng tài thương mại).
Nguồn: Đặc sản tuyên truyền pháp luật số 07/2013