GPLAW - Giải pháp luật

Hướng dẫn treo biển tên công ty đúng luật


Hướng dẫn treo biển tên công ty đúng luật.

Treo biển tên công ty là một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh, không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn liên quan đến các quy định pháp lý. Việc treo biển tên đúng luật giúp doanh nghiệp thể hiện tính chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng với khách hàng và đối tác, đồng thời tránh được những rủi ro pháp lý không mong muốn. Bài viết dưới đây, GPLAW sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình treo biển tên công ty đúng luật.  

1. Biển tên doanh nghiệp là gì? Vì sao cần phải treo biển tên?

1.1. Biển tên doanh nghiệp là gì?

Theo Điều 17 Luật Quảng cáo năm 2012, biển hiệu là một trong các phương tiện quảng cáo cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng để quảng bá thương hiệu.

Đồng thời, Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định rõ, tên công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đồng thời phải in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Từ đây, có thể kết luận, biển tên doanh nghiệp là một trong những phương tiện quảng cáo mà pháp luật cho phép công ty sử dụng nhằm công bố, giới thiệu thông tin, quảng bá hình ảnh...

1.2. Vì sao cần phải treo biển tên?

Doanh nghiệp cần treo biển tên bởi:

  • Đây là quy định bắt buộc, là một trong số những phương thức chứng minh sự tồn tại hợp pháp của công ty (Theo Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020), là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, quản lý;
  • Quảng bá, giới thiệu thông tin tới khách hàng;
  • Thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp, công khai minh bạch tới đối tác, khách hàng...

2. Quy định treo biển tên công ty mới thành lập

2.1. Nội dung phải có trên biển tên công ty:

Theo Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, trên biển tên công ty cần có những thông tin sau:

  • Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có): Ví dụ, công ty cổ phần A (100% vốn tư nhân) thành lập và hoạt động tại thành phố Hà Nội thì cơ quản chủ quản trực tiếp quản lý là Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố;
  • Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh: biển tên đảm bảo đủ các phần cần có của tên công ty theo đúng quy định pháp luật doanh nghiệp có liên quan (Ví dụ: Công ty cổ phần/Công ty CP/CTCP + Tên doanh nghiệp);
  • Địa chỉ, số điện thoại;
  • Mã số thuế (mã số thuế không được nêu trong quy định của Luật Quảng cáo, song để dễ trong việc tìm kiếm, tránh sự nhầm lẫn thì doanh nghiệp nên bổ sung mã số đăng ký doanh nghiệp/mã số thuế trên biển tên).

Lưu ý: Doanh nghiệp nên gửi ảnh Giấy đăng ký kinh doanh cho các đơn vị làm biển quảng cáo để biển tên được lấy đúng thông tin và thiết kế phù hợp.

2.2. Chữ viết trên biển tên công ty:

- Theo Điều 18 Luật Quảng cáo 2012, chữ viết trên biển quảng cáo phải được thể hiện bằng tiếng Việt, trừ nhãn hiệu/khẩu hiệu/thương hiệu/tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt;

- Đồng thời, nếu doanh nghiệp muốn đưa tên viết tắt; tên giao dịch quốc tế hoặc tên, chữ nước ngoài lên biển tên công ty thì phải ghi ở phía dưới, kích thước chữ phải nhỏ hơn tên chữ Việt Nam, cụ thể: chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

(Căn cứ: Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP và Điều 18 Luật Quảng cáo 2012)

2.3. Hình thức, kích thước biển tên công ty:

Biển tên có thể làm dưới dạng ngang hoặc dọc, nhưng phải đảm bảo giới hạn kích thước được quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 như sau:

  • Đối với biển tên ngang: chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà.
  • Đối với biển tên dọc: chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển tên.

2.4. Số lượng biển tên công ty:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP:

  • Mỗi doanh nghiệp chỉ được đặt 01 biển tên tại cổng;
  • Mỗi doanh nghiệp chỉ cần 01 biển tên ngang và không quá 02 biển tên dọc.

2.5. Vị trí treo biển tên công ty:

Cũng tại Khoản 2 Điều 23 của Nghị định 103/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể lựa chọn đặt biển tên ở:

  • Sát cổng, hoặc;
  • Mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh.

Lưu ý: Khi treo biển tên, phải tránh không gian thoát hiểm, cứu hoả và không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

3. Treo biển công ty có phải xin phép không?

Doanh nghiệp không cần phải xin phép, trừ biển hiệu có diện tích một mặt trên 20m2, kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự được gắn vào công trình xây dựng có sẵn (Điểm b Khoản 2 Điều 31 Luật Quảng cáo 2012)

4. Không treo biển công ty có bị phạt không?

Treo biển tên công ty là việc bắt buộc theo quy định của luật doanh nghiệp, đồng thời khi treo cũng phải tuân thủ một số điều kiện. Do vậy, nếu vi phạm một trong số các quy định dưới đây thì công ty sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt, cụ thể:

  • Theo Khoản 1 Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, nếu trên biển tên không thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định và sai kích thước thì doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng;
  • Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng trong trường hợp công ty khi không đúng hoặc không đầy đủ tên trên biển hiệu, chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu…
  • Đặc biệt, theo Điểm c, Khoản 2, Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng không treo biển tên. (Chế tài này cũng được áp dụng tương tự đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh)

Do vậy, để thuận tiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh và không bị xử phạt, công ty cần làm biển tên theo đúng quy định sớm nhất có thể.

 


Xem Dịch vụ Doanh nghiệp

Hướng dẫn pháp lý khác

Liên hệ

LS. Nguyễn Thị Sắc

Luật sư cộng sự
0385507892
sacnt.92@gmail.com
LS. Nguyễn Thị Sắc

LS. Bùi Văn Sơn

Luật sư cộng sự
0912319032
son.bv@gplaw.com.vn
LS. Bùi Văn Sơn