GPLAW - Giải pháp luật

Đặc điểm và điều kiện trở thành doanh nghiệp FDI


"Điều kiện quan trọng nhất để trở thành doanh nghiệp FDI là được thành lập, góp vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời được cấp Giấy chứng nhận đầu tư."

Đặc điểm và điều kiện trở thành doanh nghiệp FDI

 

I. Khái quát về FDI: 

Foreign Direct Investment (viết tắt là FDI) – Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một hình thức đầu tư của một tổ chức hoặc cá nhân từ một quốc gia đầu tư tiền, tài sản hoặc nguồn lực khác vào một quốc gia khác. Điều quan trọng là FDI mang lại cho nhà đầu tư nước ngoài quyền tham gia trực tiếp vào việc quản lý và vận hành doah nghiệp hoặc dự án tại quốc gia mà họ rót vốn đầu tư. 

Các hình thức FDI bao gồm: 

  • Mua cổ phần hoặc cổ phiếu: Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua lại cổ phần của một doanh nghiệp nội địa, từ đó trở thành cổ đông và có quyền tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp đó. 
  • Mua tài sản: Việc sở hữu các tài sản như máy móc, nhà xưởng hay các loại tài sản khác từ doanh nghiệp tại quốc gia đích cũng là một hình thức FDI.
  • Thành lập công ty con hoặc chi nhánh: Nhà đầu tư có thể mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách xây dựng một công ty con hoặc chi nhánh tại quốc gia muốn đầu tư. 
  • Hợp tác kinh doanh: Hình thức này cho phép nhà đầu tư nước ngoài với đối tác địa phương để cùng triển khai các dự án kinh doanh chung.

FDI mang lại lợi ích cho cả hai bên liên quan. Với quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư, FDI giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, thu hút nguồn vốn, đồng thời góp phần vào quá trình chuyển giao công nghệ và kỹ năng. Về phía nhà đầu tư, họ có thể gia tăng lợi nhuận từ thị trường mới, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu. 

Việc quyết định đầu tư trực tiếp thường dựa trên nhiều yếu tố như mức độ lợi nhuận kỳ vọng, các rủi ro tiềm ẩn, cũng như môi trường chính trị và kinh doanh tại nước sở tại. FDI đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và luôn được chính phủ cùng các tổ chức quốc tế quan tâm, thúc đẩy. 

II. Đặc điểm của FDI: 

1. Lợi nhuận: 

Lợi nhuận là mục đích chính của FDI, dù có triển khai dưới bất kỳ hình thức nào thì lợi nhuận vẫn là mối quan tâm cuối cùng của chủ đầu tư về các vấn đề liên quan. 

2. Cơ sở tính lợi nhuận: 

Cơ sở tính lợi nhuận FDI là dựa vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp sau khi nhận được đầu tư có cải thiện, tăng trưởng và thành công hay không sẽ quyết định được hiệu quả của FDI đó. 

3. Sự tham gia của các nhà đầu tư: 

Không phải dự án FDI nào cũng giống nhau về sự tham gia của các nhà đầu tư. Để có thể tham gia kiểm soát doanh nghiệp nhận được đầu tư, bên nhà đầu tư phải có đủ số vốn tối thiểu, điều này tùy vào quy định của mỗi quốc gia. Đồng thời, sự thỏa thuận giữa hai bên sẽ quyết định việc nhà đầu tư can thiệp nông hay sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. 

III. Doanh nghiệp FDI: 

1. Doanh nghiệp FDI là gì: 

Theo Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định chung về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như sau: 

“ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Đầu tư 2020 được coi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.” 

Với 2 loại hình doanh nghiệp FDI chủ yếu là: 

  • Doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài 
  • Doanh nghiệp liên doanh đơn vị trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu của doanh nghiệp FDI nhằm mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội kinh doanh ở quốc gia mới, tăng cường sự hiện diện toàn cầu và tạo ra lợi nhuận. FDI có thể đóng góp vào phát triển kinh tế và sự tăng trưởng của quốc gia nhận đầu tư bằng cách tạo ra việc làm, truyền đầu tư vào công nghệ và quản lý, cũng như đóng góp vào nguồn thuế và xuất khẩu. 

2. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI: 

a. Hình thức đầu tư: 

  • Doanh nghiệp được thành lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài; 
  • Công ty nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam; 
  • Công ty/ tổ chức có sự hợp tác đầu tư kinh doanh theo hợp đồng BCC. 

Trong đó, BCC là hình thức thỏa thuận hợp pháp giữa các nhà đầu tư với nhau, với mục đích hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, sản phẩm theo quy định của Pháp luạt, hình thức này không phải thành lập doanh nghiệp/ tổ chức kinh tế. 

b. Loại hình: 

Doanh nghiệp FDI khá đa dạng, có thể theo quy mô kỳ vọng của mỗi tổ chức. Chẳng hạn như công ty TNHH một thành viên, 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh. 

c. Quyền và nghĩa vụ: 

Bắt buộc phải tuân theo pháp luật Việt Nam, được nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp FDI. 

d. Mục đích: 

Với mục đích hợp tác, phát triển lâu dài, đồng thời mở rộng thị trường kinh doanh đa quốc gia để mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, các doanh nghiệp FDI hợp tác với tổ chức kinh tế tại Việt Nam. 

3. Điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI: 

a. Thành lập/ có vốn góp sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài: 

Theo Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài phải có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo quy định của Pháp luật nước ngoài, thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp FDI phải có ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài đứng ra thành lập hoặc góp vốn. 

b. Kinh doanh ngành, nghề không bị cấm: 

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, doanh nghiệp FDI không được kinh doanh các ngành nghề bị cấm, bao gồm: 

  • Các chất ma túy 
  • Hóa chất, khoáng vật 
  • Mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên
  • Kinh doanh mại dâm 
  • Mua bán người, xác, mô, bộ phận trên cơ thể người
  • Các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên cơ thể con người
  • Pháo nổ
  • Dịch vụ đòi nợ thuê

Sở hữu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 

Trước khi tiến hành thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục xin cấp hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Quy định này được nêu rõ tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt được miễn thủ tục này, bao gồm việc thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, cũng như quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo – theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Về thẩm quyển cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Luật Đầu tư 2020 tại khoản 1 và 2 Điều 39 quy định như sau: 

  • Các dự án đầu tư đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc khu kinh tế sẽ do Ban Quản lý tương ứng tại các khu vực này cấp Giấy chứng nhận, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 3 Điều 39. 
  • Đối với những dự án nằm ngoài các khu nêu trên, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trừ khi rơi vào các trường hợp ngoại lệ cũng được quy định tại Khoản 3 Điều này. 

d. Thành lập doanh nghiệp: 

Khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các cá nhân, tổ chức sẽ chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp rồi nộp lên Phòng Đăng ký kinh doanh, thuộc Sở Kế hoạch & Đầu tư nơi mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Sau khi đã hoàn thành được các bước này, về cơ bản doanh nghiệp đó đã được coi là doanh nghiệp FDI và được hưởng các ưu đãi theo Quy định của Pháp luật. 

Nhìn chung, điều kiện quan trọng nhất để trở thành doanh nghiệp FDI là được thành lập, góp vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. 

Điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI

 

IV. Các loại hình đầu tư nước ngoài FDI: 

1. Theo chiều ngang: (Horizontal FDI):

FDI theo chiều ngang – Horizontal FDI là dạng đầu tư phổ biến nhất hiện nay. Đối với hình thức này, các nhà đầu tư sẽ tập trung vốn vào một doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của công ty do chủ đầu tư FDI điều hành, sở hữu. Lúc này, hai doanh nghiệp cùng nhau sản xuất, kinh doanh những mặt hàng tương tự nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển. 

2. Theo chiều dọc (Vertical FDI):

Khác với FDI chiều ngang, FDI chiều dọc – Vertical FDI là một dạng đầu tư vào chuỗi cung ứng, trong đó bao gồm nhiều ngành nghề khác nhau. Đây là loại FDI mà doanh nghiệp đầu tư trong một phần hoặc toàn bộ khâu sản xuất, kinh doanh hoặc cung ứng nguyên liệu cho sản phẩm của mình. 

3. FDI tập trung: 

Bên cạnh FDI chiều ngang, chiều dọc còn có FDI tập trung, dạng này là đầu tư vào nhiều tổ chức, công ty khác nhau từ cùng một doanh nghiệp, thuộc nhiều ngành hoàn toàn khác nhau. Điều này tạo ra FDI chùm và vốn FDI không liên kết trực tiếp với các nhà đầu tư.


Xem Dịch vụ Hợp đồng đầu tư & thương mại

Hướng dẫn pháp lý khác

Liên hệ

LS. Nguyễn Thị Sắc

Luật sư cộng sự
0385507892
sacnt.92@gmail.com
LS. Nguyễn Thị Sắc

LS. Bùi Văn Sơn

Luật sư cộng sự
0912319032
son.bv@gplaw.com.vn
LS. Bùi Văn Sơn