(GPLaw) - Xu hướng du lịch trải nghiệm và nhu cầu tìm kiếm không gian lưu trú gần gũi với thiên nhiên, văn hóa địa phương đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong đó, mô hình kinh doanh homestay đã và đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động kinh doanh homestay được hợp pháp và chuyên nghiệp, việc đăng ký giấy phép kinh doanh là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất. Hãy cũng GPLaw tìm hiểu về thủ tục này nhé.
1. Điều kiện đăng ký kinh doanh Homestay:
1.1. Điều kiện về đăng ký kinh doanh:
Chủ cơ sở kinh doanh homestay phải đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định pháp luật. Kinh doanh homestay có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:
- Thành lập hộ kinh doanh cá thể;
- Thành lập công ty.
Kinh doanh homestay không có yêu cầu bắt buộc về loại hình hoạt động. Chủ cơ sở kinh doanh homestay có thể đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc bất cứ loại hình doanh nghiệp nào phụ thuộc vào quy mô kinh doanh.
1.2. Điều kiện về các loại giấy phép:
Kinh doanh homestay là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và nhiều vấn đề xã hội khác nên chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật và sự quản lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, cần đáp ứng một số loại giấy phép sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự
- Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (nếu có kinh doanh phục vụ ăn uống tại homestay).
1.3. Điều kiện về cơ sở vật chất:
Kinh doanh homestay được xếp vào loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê cần đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất như sau:
- Có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh;
- Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
1.4. Điều kiện về phòng cháy chữa cháy:
Tùy thuộc vào số tầng, tổng khối tích cơ sở kinh doanh homestay mà điều kiện về phòng cháy chữa cháy sẽ khác nhau theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP:
- Phụ lục II: Cơ sở kinh doanh homestay có khối tích từ 5000m3 trở lên
- Phụ lục III: Cơ sở kinh doanh homestay cao từ 3 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
- Phụ lục IV: Cơ sở kinh doanh homestay cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3.
- Phụ lục V: Cơ sở kinh doanh homestay cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.
1.5. Điều kiện về an ninh trật tự:
1. Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với người Việt Nam:
Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:
Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.
3. Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
2. Thủ tục đăng ký Giấy phép kinh doanh Homestay:
2.1. Giai đoạn 1: Xin Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
a) Thành lập hộ cá thể kinh doanh Homestay:
Chuẩn bị hồ sơ:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao hợp lệ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân
- Bản sao hợp lệ các văn bằng, chứng chỉ (nếu ngành nghề yêu cầu)
Nộp hồ sơ:
- Địa điểm: Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh
- Thời gian xử lý: 3 ngày làm việc
Nhận kết quả:
- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
b) Thành lập công ty kinh doanh Homestay:
Chuẩn bị hồ sơ:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty
- Danh sách thành viên/cổ đông sáng lập đối với Công ty TNHH 2 thành viên/Công ty cổ phần
- Bản sao hợp lệ các giấy tờ cá nhân của người đại diện theo pháp luật
Nộp hồ sơ:
- Địa điểm: Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
- Thời gian xử lý: 3 ngày làm việc
Nhận kết quả:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
2.2. Giai đoạn 2: Xin Giấy phép phòng cháy chữa cháy:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ xin giấy phép PCCC:
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC;
- Bản sao giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và văn bản nghiệm thu về PCCC;
- Danh sách nhân viên đã được huấn luyện về PCCC;
- Bảng thống kê các phương tiện PCCC;
- Phương án chữa cháy.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan thẩm quyền theo 1 trong 3 cách:
- Nộp trực tiếp tại Cục Cảnh sát PCCC hoặc Phòng Cảnh sát PCCC;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính công ích (VNPost);
- Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công.
Bước 3: Nhận kết quả từ 05 – 15 ngày làm việc:
- Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC;
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ sẽ được nhận văn bản trả lời có nêu rõ lý do.
2.3. Giai đoạn 3: Xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện An ninh trật tự:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ xin GCN đủ điều kiện An ninh trật tự bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao);
- Giấy tờ chứng minh bảo đảm an toàn về PCCC;
- Bản khai lý lịch người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của homestay;
- Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của homestay.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan công an cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt homestay theo 1 trong 3 cách:
- Nộp trực tiếp đến cơ quan công an;
- Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;
- Nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.
Bước 3: Nhận kết quả từ 05 ngày làm việc:
- Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được cơ quan công an sẽ cấp giấy phép an ninh, trật tự;
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ sẽ được cơ quan công an gửi văn bản trả lời có nêu rõ lý do.
Ngoài ra, nếu cơ sở kinh doanh homestay có kinh doanh rượu, thuốc lá hay phục vụ ăn uống thì cần phải xin các loại giấy phép con tương ứng.