(LS Tô Quốc Vinh) - Quy định ngưỡng 1 tỷ đồng là nội dung sửa đổi có tính chất căn bản của Luật thuế GTGT và Thông tư 219/2013/TT-BTC ban hành ngày 31/12/2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 (TT 219), được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng DN mua bán hóa đơn GTGT, nhưng lại hạn chế sự gia nhập thị trường của các DN nhỏ mong muốn kinh doanh hợp pháp và phát triển trong môi trường cạnh tranh bình đẳng. Lợi cho sự quản lý của Nhà nước thì chưa thấy ngay, nhưng các DN nhỏ đã bị cập hại.
Hạn chế sự gia nhập thi trường của DN nhỏ
TT 219 quy định DN mới thành lập kể từ ngày 01/01/2014 thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị đạt ngưỡng từ 1 tỷ đồng trở lên thì được đăng ký kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đối với DN mới thành lập mới không đáp ứng ngưỡng 1 tỷ đồng nêu trên thì áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng. DN phải gửi thông báo về việc áp dụng phương pháp tính thuế cùng với hồ sơ đăng ký thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp ngay từ khi thành lập.
Trong 2 phương pháp tính thuế này, phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng gây bất lợi cho DN. Do DN nộp thuế GTGT trên doanh thu (tỷ lệ từ 1, 2, 3, 5% doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ) sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (5% , 10% giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào), nên không những DN phải ứng trước số tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ khi mua hàng hóa, dịch vụ, mà còn phải lấy thêm tiền từ doanh thu hoặc nguồn vốn khác để nộp thuế GTGT tính trên doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ, điều này trực tiếp làm tăng gánh nặng cho DN về vốn kinh doanh. Mặt khác, do thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, mà được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nhiệp, nên làm tăng giá thành hàng hóa, dịch vụ, giảm lợi nhuận của DN, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN so với DN cùng ngành nghề kinh doanh nhưng áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Lẽ ra cần phải khuyến khích các DN nhỏ mới thành lập và tạo điều kiện cho các DN này có môi trường cạnh tranh bình đẳng với các DN đã thành lập trước đó, thì TT 219 lại buộc các DN nhỏ gồng mình tăng chi phí, giảm lợi nhuận, hạn chế sự gia nhập thị trường và cạnh tranh của các DN nhỏ.
Vướng mắc này khiến các DN nhỏ không thành lập mới mà “săn lùng” DN đã thành lập trước 2014 để mua lại, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động và tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Gây rủi ro cho DN
TT 219 quy định ngưỡng doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng/năm trở lên nhằm phân loại DN đang hoạt động được nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đối với các DN này, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có hóa đơn GTGT hợp pháp, có chứng từ thanh toán qua ngân hàng không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên. Các quy định này đang gây rất nhiều rủi ro cho DN.
Các DN đang hoạt động hoặc thành lập mới có doanh thu chưa đạt 1 tỷ đồng trở lên trong 1 năm thì phải đăng ký lại với cơ quan thuế để áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp hay khấu trừ, tương ứng với việc sử dụng hóa đơn là hóa đơn bán trực tiếp hay hóa đơn GTGT. Nếu hóa đơn GTGT bất hợp pháp thì DN mua hàng hóa, dịch vụ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Do vậy, DN mua hàng hóa, dịch vụ sẽ gặp rủi ro nếu mua hàng hóa, dịch vụ của các DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm nhưng chưa đăng ký lại phương pháp tính thuế với cơ quan thuế.
Cũng như vậy, DN mua hàng hóa, dịch vụ phải chuyển tiền thanh toán từ tài khoản của DN mình sang tài khoản của DN bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng tài khoản của cả hai bên đều phải đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế. Nếu vi phạm quy định này thì DN mua hàng hóa, dịch vụ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trên thực tế, DN mua hàng hóa, dịch vụ sẽ gặp rủi ro nếu thanh toán cho DN bán hàng hóa, dịch vụ vào tài khoản chưa đăng ký với cơ quan thuế.
Để tránh các rủi ro này, DN mua cần lưu ý yêu cầu DN bán cung cấp bản sao đăng ký lại phương pháp tính thuế, đăng ký hoặc thông báo tài khoản với cơ quan thuế trước khi ký hợp đồng để kiểm tra, rà soát việc tuân thủ quy định về thuế của DN bán.
Không đạt mục đích của luật
Quy định ngưỡng “1 tỷ đồng” còn nhằm mục đích hạn chế các DN thành lập để mua bán hóa đơn, nhưng mục đích này có lẽ sẽ bị phá sản.
Trước đây, có thể có tình trạng phổ biến là nhiều DN thành lập chỉ với mục đích mua bán hóa đơn. Tuy nhiên, chắc chắn không phải tất cả các DN đều như vậy. Nếu gom các DN nhỏ kinh doanh hợp pháp và bất hợp pháp vào cùng một rỏ để quản lý thì sẽ vô tình “bóp nghẹt” sự phát triển và “oan uổng” cho các DN nhỏ kinh doanh hợp pháp.
Nếu DN có mục đích thành lập để mua bán hóa đơn thì việc “gom tiền” đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên không phải là không thể thực hiện được. Ngoài ra, để tránh hạn chế của quy định này, các DN không có vốn thay vì thành lập mới sẽ mua lại các DN đã thành lập từ lâu nhưng đang tạm dừng kinh doanh và khôi phục hoạt động bình thường để mua bán hóa đơn GTGT. Do đó, quy định “1 tỷ đồng” này khó có thể hạn chế được tình trạng thành lập DN mới hay mua lại DN cũ nhằm mục đích mua bán hóa đơn.
Hệ lụy lớn hơn, quy định này sẽ làm phát sinh tình trạng các DN nhỏ áp dụng phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng cần mua hóa đơn để đáp ứng quy định, đáp ứng nhu cầu sử dụng hóa đơn GTGT khấu trừ đầu vào của khách hàng không muốn sử dụng hóa đơn trực tiếp. Như vậy, hệ lụy lại tạo thêm cung-cầu cho các DN mua bán hóa đơn.
Để không hạn chế sự gia nhập thị trường của các DN nhỏ trong cùng điều kiện cạnh tranh bình đẳng với DN có vốn lớn hoặc đã thành lập lâu năm, cần thiết phải điều chỉnh một cách hợp lý quy định về ngưỡng giá trị tài sản khi DN thành lập mới và ngưỡng doanh thu khi DN đang hoạt động, không thể quy định 1 ngưỡng cứng nhắc để áp dụng với mọi DN, mọi ngành nghề kinh doanh như hiện nay.
(Luật sư Tô Quốc Vinh)
Đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigontimes) - Số 32/2014