GPLAW - Giải pháp luật

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh 2025


Thủ tục tạm ngừng kinh doanh 2025.

(GPLaw)Việc thực hiện đúng quy định về thủ tục tạm ngừng kinh doanh giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi và tránh vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp cần chú ý thời hạn và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để quá trình tạm ngừng diễn ra thuận lợi.

1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tạm ngừng kinh doanh được hiểu là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong thời gian không thực hiện hoạt động kinh doanh. Cụ thể, khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp quy định:

  • Ngày bắt đầu tạm ngừng kinh doanh: Là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh.
  • Ngày kết thúc tạm ngừng kinh doanh: Là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

Như vậy, tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp tạm thời ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Doanh nghiệp phải gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm bắt đầu, thời hạn tạm ngừng hoặc thời gian tiếp tục kinh doanh.

2. Những lưu ý trước khi tạm ngừng kinh doanh

2.1. Thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh

Theo Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng.

2.2.  Thời gian tối đa mỗi lần tạm ngừng

Theo quy định mới, thời gian tạm ngừng tối đa mỗi lần không quá 01 năm. Tuy nhiên, số lần tạm ngừng liên tiếp không bị giới hạn, miễn sao doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình thông báo theo quy định.

2.3.  Không phải nộp báo cáo thuế trong thời gian tạm ngừng

Điểm a, khoản 2, Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

  • Người nộp thuế không cần nộp hồ sơ khai thuế khi tạm ngừng kinh doanh, trừ trường hợp tạm ngừng không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính.

2.4.  Miễn nộp lệ phí môn bài

Khoản 5 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP) nêu rõ:

  • Người nộp lệ phí môn bài không phải đóng phí nếu gửi văn bản thông báo tạm ngừng hoạt động cho cơ quan thuế trước thời hạn nộp lệ phí (ngày 30/01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng.

3. Thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh

Theo Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục tạm ngừng kinh doanh được thực hiện qua 3 bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đăng ký trước chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng.

Nội dung thông báo bao gồm:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Ngành, nghề kinh doanh.
  • Ngày bắt đầu và kết thúc thời hạn tạm ngừng.
  • Lý do tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Nếu muốn tiếp tục tạm ngừng sau thời hạn thông báo ban đầu, doanh nghiệp cần thông báo lại trước thời hạn 03 ngày làm việc.

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

-  Thông báo tạm ngừng kinh doanh (mẫu quy định).

-  Quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên.

-  Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền cho bên thứ ba).

  • Đối với Công ty TNHH 1 thành viên:

-  Thông báo tạm ngừng kinh doanh (mẫu quy định).

-  Quyết định của chủ sở hữu.

-  Giấy ủy quyền (nếu ủy quyền).

  • Đối với Công ty cổ phần:

-  Thông báo tạm ngừng kinh doanh (mẫu quy định).

-  Quyết định và biên bản họp của Hội đồng quản trị.

-  Giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền.

  • Đối với Công ty hợp danh:

-  Thông báo tạm ngừng kinh doanh (mẫu quy định).

-  Quyết định và biên bản họp của các thành viên hợp danh.

-  Giấy ủy quyền (nếu cần). 

Bước 2: Phòng Đăng ký kinh doanh xử lý hồ sơ

Sau khi nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xử lý trong vòng 03 ngày làm việc và đưa ra kết quả:

  • Cấp Giấy xác nhận tạm ngừng kinh doanh: Nếu hồ sơ hợp lệ.
  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không chính xác.

Kết quả sẽ được gửi theo hình thức mà doanh nghiệp đã đăng ký, đảm bảo tính thuận lợi và đúng quy định pháp luật.

Bước 3: Chính thức tạm ngừng kinh doanh

Khi cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được thông báo, doanh nghiệp sẽ tạm ngừng hoạt động từ ngày được ghi trong thông báo. Tất cả hoạt động kinh doanh phải dừng sau ngày tạm ngừng.

Doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh khi hết thời hạn hoặc đăng ký kinh doanh lại sớm hơn nếu có nhu cầu.


Xem Dịch vụ Doanh nghiệp

Hướng dẫn pháp lý khác

Liên hệ

LS. Nguyễn Thị Sắc

Luật sư cộng sự
0385507892
sacnt.92@gmail.com
LS. Nguyễn Thị Sắc

LS. Bùi Văn Sơn

Luật sư cộng sự
0912319032
son.bv@gplaw.com.vn
LS. Bùi Văn Sơn