GPLAW - Giải pháp luật

Những vấn đề liên quan đến giai đoạn tiền tố tụng trọng tài.


Những vấn đề liên quan đến giai đoạn tiền tố tụng trọng tài.

NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN GIAI ĐOẠN TIỀN TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Từ Khóa: Tiền tố tụng trọng tài

Tiền tố tụng trọng tài” là gì và có những vấn đề nào liên quan đến giai đoạn này? Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hình dung được rõ hơn về giai đoạn “tiền tố tụng trọng tài” dưới góc độ quy định của các văn bản pháp luật và những đề xuất có tính cá nhân của người viết.

Đối với “tiền tố tụng trọng tài”, hiện nay pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào thể hiện khái niệm này. Tuy nhiên bước đầu có thể hiểu rằng “tiền tố tụng trọng tài” là một giai đoạn, trình tự pháp lý được pháp luật trọng tài quy định, và nó diễn ra trước khi bắt đầu quá trình tố tụng tại Trọng tài. Mà thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn (đối với Trọng tài vụ việc thì được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn). 

Bài viết này sẽ giúp người đọc hình dung được rõ hơn về giai đoạn “tiền tố tụng trọng tài” dưới góc độ quy định của các văn bản pháp luật và những đề xuất có tính cá nhân của người viết.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 (Luật TTTM), để một tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài thì các bên cần phải có thỏa thuận trọng tài. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp mà thỏa thuận trọng tài giữa các bên tranh chấp có thể bị coi là không rõ ràng, cụ thể là:

  • Các bên đã có thỏa thuận trọng tài, tuy nhiên chưa chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không xác định đích danh tổ chức trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp;
  • Các bên vừa chọn Tòa án, vừa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, nhưng thỏa thuận trọng tài này chưa chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không xác định đích danh tổ chức trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp.

Đối với các trường hợp nói trên, vì thỏa thuận trọng tài được xác lập giữa các bên tranh chấp bị coi là không rõ ràng nên tố tụng trọng tài chỉ có thể được diễn ra sau khi các bên đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật trước khi tiến hành khởi kiện tại Trọng tài. Đây được coi là giai đoạn “tiền tố tụng”- các vấn đề diễn ra trước khi tố tụng tại trọng tài bắt đầu.

 

Đầu tiên là giai đoạn “tiền tố tụng trọng tài” dưới góc độ của Luật TTTM và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/03/2014 về Hướng dẫn thi hành một số quy đinh Luật Trọng tài thương mại (Gọi tắt là Nghị quyết 01/2014):Trong trường hợp thỏa thuận trọng tài của các bên tranh chấp chưa chỉ rõ hình thức Trọng tài hoặc trong thỏa thuận đó không xác định đích danh tổ chức trọng tài đứng ra giải quyết tranh chấp thì các bên phải tiến hành thỏa thuận lại để thống nhất về vấn đề này. Nếu các bên sau đó vẫn không đạt được thỏa thuận chung, Nguyên đơn sẽ là chủ thể có quyền lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài thực hiện việc giải quyết tranh chấp[3].

Với quy định trên thì các bên cần thực hiện các công việc có tính “tiền tố tụng” như sau:

Một, các bên “phải tiến hành thỏa thuận lại để thống nhất về vấn đề” hình thức Trọng tài hoặc xác định đích danh tổ chức trọng tài đứng ra giải quyết tranh chấp;

Hai, nếu đạt được sự thống nhất vấn đề hình thức Trọng tài hoặc xác định đích danh tổ chức trọng tài thì các bên thực hiện theo thoả thuận đó để bắt đầu tố tụng trọng tài giải quyết tranh chấp;

Ba, “nếu các bên sau đó vẫn không đạt được thỏa thuận chung, Nguyên đơn sẽ là chủ thể có quyền lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài thực hiện việc giải quyết tranh chấp”.

Như vậy, việc các bên không có bất kỳ một thỏa thuận bổ sung về việc chọn trung tâm trọng tài trước khi đưa vụ kiện ra trọng tài cũng tiềm ẩn khả năng bị coi là vi phạm tố tụng trọng tài (một trong những căn cứ có thể khiến Phán quyết trọng tài bị yêu cầu huỷ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật TTTM).

Để chứng minh cho việc thực hiện đúng quy định “tiền tố tụng trọng tài”, Nguyên đơn trong vụ tranh chấp tại Trọng tài cần phải có chứng cứ chứng minh cho việc mình đã có thiện chí trong việc đề nghị thỏa thuận lại tuy nhiên lại không thành. Đề nghị thỏa thuận lại có thể được thể hiện dưới dạng văn bản và được gửi cho bên kia bằng đường bưu điện…trong văn bản thường có ấn định thời hạn trả lời cho bên còn lại. Do đó trong việc gửi văn bản cần phải cẩn thận trong việc lựa chọn đơn vị vận chuyển uy tín cũng như công văn gửi đi cần có mã vận đơn rõ ràng để thuận tiện trong việc theo dõi tiến độ gửi thư. Quan trọng nhất là cần phải có báo phát để xác định được chính xác thư đã được giao chính chủ và ngày, giờ cụ thể người đó nhận thư.

Trên đây là những trình bày về “tiền tố tụng trọng tài” thông qua các quy định của pháp luật trọng tài thương mại để người đọc có thể tiếp cận được khái niệm này rõ ràng hơn.

Đọc thêm: Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng trong Trọng tài Thương mại tại Việt Nam.

Nguồn: mcac.vn


Xem Dịch vụ Tranh tụng tại Trọng tài thương mại

Hướng dẫn pháp lý khác

Liên hệ

LS. Nguyễn Thị Sắc

Luật sư cộng sự
0385507892
sacnt.92@gmail.com
LS. Nguyễn Thị Sắc