ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI.
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp được quy định tại Luật Trọng tài Thương mại 2010 và được áp dụng đối với những tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Ngày nay, các hoạt động thương mại diễn ra ngày càng đa dạng và phát triển, đồng nghĩa với việc càng có nhiều tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại. Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hay Tòa án luôn là băn khoăn của các doanh nghiệp. Trong bài viết này, GPLAW sẽ đánh giá ưu điểm và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài để giúp các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn và lựa chọn phương thức này khi giải quyết tranh chấp cho phù hợp.
1. Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
1.1. Thủ tục linh hoạt, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cho phép các bên trong tranh chấp được quyền thỏa thuận và lựa chọn hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên, địa điểm, ngôn ngữ, luật áp dụng giải quyết tranh chấp và quy tắc tố tụng trọng tài tương ứng… Do vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại sẽ căn cứ theo thỏa thuận lựa chọn của các bên, có tính linh hoạt hơn so với các thủ tục tố tụng tại Tòa án. Đồng thời, phương thức giải quyết tranh chấp này không trải qua nhiều cấp xét xử như tại Tòa án, do đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên trong quá trình tranh tụng.
1.2. Phán quyết Trọng tài là chung thẩm, có giá trị thi hành ràng buộc các bên
Về nguyên tắc, phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, tức là hiệu lực cuối cùng và không bị kháng cáo, kháng nghị như bản án của Tòa án, bởi khi các đương sự đã tín nhiệm và lựa chọn trọng tài thì phải chấp thuận quyết định của trọng tài đó. Vì vậy, thông thường, các bên sẽ tự nguyện thi hành mà không cần sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện mà bên đó không yêu cầu hủy phán quyết thì bên còn lại có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hoặc biện pháp khẩn cấp tạm thời để buộc thi hành phán quyết.
Theo quy định tại Điều 68.2 Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài chỉ bị hủy bỏ khi có đơn yêu cầu của một bên và khi có một trong các căn cứ sau:
“a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”
Như vậy, đa số các căn cứ để hủy phán quyết là những sai sót về mặt tố tụng. Về mặt nội dung, phán quyết chỉ bị hủy khi trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, rất ít trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy bỏ bởi Hội đồng trọng tài và các trọng tài viên đều am hiểu và có kinh nghiệm để tiến hành đúng trình tự giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
1.3. Quá trình xét xử bảo mật
Trừ trường hợp các bên thỏa thuận khác, phiên họp giải quyết tranh chấp được trọng tài tổ chức không công khai. Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp khi có sự đồng ý của các bên. Đây là một ưu điểm đáng chú ý của phương thức giải quyết tranh chấp này khi nội dung tranh chấp và danh tính các bên được giữ kín, đặc biệt đối với các vụ kiện liên quan đến bí mật kinh doanh, các phát minh hay các yếu tố quan trọng khác mà các bên muốn bảo mật. Vì vậy, phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại sẽ đáp ứng được nhu cầu và sự tin cậy của các doanh nghiệp, có vai trò quan trọng trong điều kiện cạnh tranh hiện nay.
1.4. Phù hợp với những tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài
Với Trọng tài thương mại, các bên có quyền thỏa thuận và lựa chọn về hình thức giải quyết (có thể là Trọng tài quy chế hoặc Trọng tài vụ việc), Trọng tài viên, địa điểm, ngôn ngữ, luật áp dụng, quy tắc tố tụng… Đây là một ưu điểm lớn đối với các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, phán quyết của Trọng tài sẽ dễ dàng được sự công nhận và thi hành tại quốc tế hơn so với bản án của Tòa án căn cứ vào các điều ước quốc tế, đặc biệt là Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
2. Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
2.1. Chi phí cao, phụ thuộc vào giá trị tranh chấp
Một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp cân nhắc, từ chối lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là chi phí khá cao và lớn hơn so với mức phí của vụ việc tương tự tại Tòa án. Nếu như các bên tranh chấp chỉ cần thanh toán các loại phí, lệ phí hành chính, không cần chi trả thù lao cho thẩm phán khi lựa chọn Tòa án thì khi lựa chọn Trọng tài thương mại, các bên phải chi trả thêm các khoản thù lao, chi phí đi lại cho Trọng tài viên. Ngoài ra, chi phí trọng tài sẽ còn phụ thuộc vào số lượng Trọng tài viên được lựa chọn và giá trị tranh chấp. Giá trị tranh chấp càng lớn, số lượng Trọng tài viên càng nhiều thì chi phí giải quyết tranh chấp càng cao.
2.2. Việc điều tra, xác minh chứng cứ và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phức tạp, tốn nhiều thời gian
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có thể yêu cầu Hội đồng Trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo Điều 49.2 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong các trường hợp: (a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; (b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài; (c) Kê biên tài sản đang tranh chấp; (d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp; (đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên; (e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Tòa án sẽ có thẩm quyền áp dụng đối với các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật Dân sự, khi đó, việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.
Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài không thể tự mình thi hành quyết định quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền để thực hiện xác minh và thi hành. Do đó, thủ tục này có phần phức tạp và gây mất thời gian nên bên phải thi hành có thể lợi dụng điểm bất cập này để thực hiện hành vi tẩu tán tài sản, gây thất thoát tài sản.
Về việc điều tra, xác minh chứng cứ, Hội đồng Trọng tài chỉ có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và triệu tập người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp khi có yêu cầu của một hoặc các bên. Trường hợp Hội đồng Trọng tài không thể thu thập được chứng cứ hoặc không thể triệu tập được người làm chứng, Hội đồng trọng tài cũng phải gửi văn bản đề nghị Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ và triệu tập người làm chứng. Khi đó, người làm chứng có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành quyết định của Tòa án. Các quyết định của Tòa án có tính cưỡng chế cao, mang quyền lực nhà nước nên việc thi hành, thực hiện sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn so với quyết định của Hội đồng Trọng tài.
2.3. Bên phải thi hành có thể yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài nhằm kéo dài quá trình tố tụng
Căn cứ vào Điều 69 của Luật Trọng tài Thương mại 2010, một bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài. Theo đó, bên phải thi hành phán quyết có thể dựa vào quy định này để tiến hành thủ tục yêu cầu Tòa án hủy phán quyết nhằm kéo dài quá trình tố tụng, trì hoãn việc thi hành án. Điều này sẽ gây tổn thất, thiệt hại không mong muốn cho bên được thi hành phán quyết.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại có những ưu điểm và nhược điểm tồn tại đồng thời với nhau. Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp ích các doanh nghiệp trong quá trình cân nhắc và lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại phù hợp với quan hệ tranh chấp phát sinh và điều kiện, khả năng của mình.
Trân trọng.