GPLAW - Giải pháp luật

Trình tự xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tại Tòa án


Trình tự xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tại Tòa án.

Phúc thẩm là một giai đoạn quan trọng trong hệ thống tư pháp, mang ý nghĩa bảo đảm quyền lợi cho các đương sự và góp phần nâng cao chất lượng xét xử. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, xét xử phúc thẩm được xem như một cơ chế pháp lý quan trọng nhằm kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp và có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm. Tại bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích và chia sẻ kinh nghiệm về trình tự xét xử phúc thẩm vụ án dân sự sau khi đương sự đã nộp đơn kháng cáo và được Tòa án thụ lý giải quyết.

1. Thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án sẽ thông báo bằng văn bản cho các đương sự về việc thụ lý vụ án.

2. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án

2.1. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thời hạn chuẩn bị xét xử có thể được kéo dài nhưng không được quá 01 tháng.

Trong giai đoạn này, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm có thể ban hành một trong các quyết định sau đây:

(i) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: Khi không còn lý do tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, Tòa án phải ban hành Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

(ii) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án: Đối với trường hợp đình chỉ xét xử vụ án do người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

(iii) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm: Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ban hành quyết định; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và được gửi ngay cho đương sự; còn Quyết định đưa vụ án ra xét xử được gửi cho đương sự trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được Tòa án ban hành.

2.2. Đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

Đương sự có quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, đương sự chỉ được cung cấp những tài liệu, chứng cứ mà (i) Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; hoặc (ii) Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp; hoặc (iii) đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Như vậy, nếu tại giai đoạn phúc thẩm đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu nhưng đương sự đó không giao nộp và không có lý do chính đáng hoặc đương sự cung cấp các tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã biết trong giai đoạn sơ thẩm, các tài liệu được cung cấp này nhiều khả năng sẽ không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

3. Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Phiên tòa phúc thẩm phải được diễn ra đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp bị hoãn trước đó.

Phiên tòa phúc thẩm gồm các phần chính sau đây:

(i) Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm: Tòa án sẽ kiểm tra sự có mặt và giấy tờ nhân thân của đương sự, người đại diện và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

(ii) Hỏi về việc kháng cáo: Các đương sự được Chủ tọa phiên tòa hỏi về việc rút đơn khởi kiện; thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo; và việc thỏa thuận được giải quyết vụ án giữa các bên.

Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo thì Tòa án chấp nhận việc rút kháng cáo. Nếu người kháng cáo bổ sung nội dung mới thì nội dung này không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu.

Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án sẽ chấp nhận nếu bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện này. Khi đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm ban hành Quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, nếu bị đơn không đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn thì vụ án vẫn được tiếp tục xét xử.

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì Hội đồng xét xử công nhận thỏa thuận đó và dựa trên đó ban hành bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm.

(iii) Tranh tụng tại phiên tòa: Các bên đương sự sẽ lần lượt trình bày ý kiến và lập luận để bảo vệ yêu cầu của mình. Sau đó, các bên tiến hành hỏi, trả lời và tranh luận, đối đáp lẫn nhau theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa.

4. Nghị án và tuyên án

Sau khi các bên kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử sẽ nghị án, ban hành Bản án phúc thẩm và tuyên đọc bản án với sự có mặt của các đương sự.

Hội đồng xét xử phúc thẩm có thẩm quyền ban hành Bản án phúc thẩm thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Giữ nguyên bản án sơ thẩm; (ii) Sửa bản án sơ thẩm; (iii) Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm; (iv) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; (v) Đình chỉ xét xử phúc thẩm; hoặc (vi) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án và được gửi cho các đương sự trong vòng 15 ngày kể từ ngày Tòa án ban hành bản án. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.

Trên đây là chia sẻ pháp lý của chúng tôi về trình tự xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tại Tòa án. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn có thể hiểu rõ hơn và lưu ý về trình tự này để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia giải quyết vụ án trong giai đoạn phúc thẩm tại Tòa án.

Trân trọng.


Xem Dịch vụ Tranh tụng tại Tòa án

Liên hệ

LS. Nguyễn Thị Sắc

Luật sư cộng sự
0385507892
sacnt.92@gmail.com
LS. Nguyễn Thị Sắc