GPLAW - Giải pháp luật

Một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014


Một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014.

(GPLaw) - Bối cảnh kinh tế - xã hội liên tục biến đổi đòi hỏi hệ thống pháp luật phải không ngừng cải tiến để hỗ trợ hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Những thay đổi trong khung pháp lý trong Luật Doanh nghiệp 2020 góp phần quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn, theo đó sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của thị trường vốn, giúp doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nguồn vốn vay từ tài chính tín dụng truyền thống. Việc này góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Các Mô Hình Online Business Phổ Biến Mà Bạn Có Thể Tự Làm Một Mình - YBOX

1. Một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014:

Với mục tiêu mà Luật Doanh nghiệp 2020 đề ra (hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất – kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh) thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những điểm mới so với Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

Thứ nhất, không phải thông báo mẫu dấu khi đăng ký thành lập doanh nghiệp:

(i) Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 đã lược bỏ việc thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

(ii) Khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã lược bỏ quy định về thông báo mẫu con dấu để phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi nhiều quốc gia đã phát triển thành công hệ thống quản lý chữ ký số trong các giao dịch thương mại hay thủ tục hành chính thì ở Việt Nam, đây vẫn còn là điều mới mẻ mà ít doanh nghiệp sử dụng. Do đó, để tận dụng những tính năng bảo mật thông tin mà chữ ký số cung cấp, để hạn chế tình trạng làm giả con dấu hay lợi dụng, sử dụng con dấu không đúng thẩm quyền, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, theo đó lược bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu.

Thứ hai, rút ngắn thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh:

(i) Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

(ii) Khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.

Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

Thứ ba, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông:

(i) Khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền được quy định cụ thể tại điểm a, b, c, d Khoản này.

(ii) Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền được quy định cụ thể tại điểm a, b, c, d Khoản này.

Thứ tư, tăng thêm quyền hạn cho Đại hội đồng cổ đông:

(i) Điểm k, l, m Khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định lần lượt như sau: Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ, quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; và Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập, quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.

(ii) Khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014 không có các quy định như điểm k, l, m Khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thứ năm, quyền khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông:

(i) Khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d Khoản này.

(ii) Khoản 1 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e Khoản này.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở rộng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông về hoạt động của công ty, giảm yêu cầu điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 5% để cổ đông thực hiện quyền quan trọng như tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động công ty, triệu tập họp đại hội đồng cổ đông, … Điều này tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý. Với các điểm mới trên, Luật Doanh nghiệp hiện hành đã phần nào hướng tới bảo vệ quyền lợi của nhóm các cổ đông nhỏ trong Công ty cổ phần, hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ.

Thứ sáu, thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước:

(i) Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.

(ii) Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã thể hiện rõ ràng hơn khái niệm về Doanh nghiệp Nhà nước đồng thời cũng làm đa dạng hóa loại hình Doanh nghiệp Nhà nước so với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014.

Thứ bảy, doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban Kiểm soát:

(i) Khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

(ii) Khoản 1 Điều 102 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 Kiểm soát viên. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và được bổ nhiệm lại nhưng mỗi cá nhân chỉ được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trong cơ cấu tổ chức quản lý của Doanh nghiệp Nhà nước bắt buộc phải có Ban kiểm soát. Ban Kiểm soát quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 được mở rộng hơn, có thêm Trưởng Ban Kiểm soát. Việc này nhằm đảm bảo hoạt động của Doanh nghiệp Nhà nước được giám sát, đánh giá khách quan và trung thực.

Tóm lại, trên đây là một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014. Ta có thể thấy rằng, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, hội nhập Quốc tế và phù hợp với sự phát triển của thời đại.

2. Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia:

Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đề ra khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2020. Theo như phân tích ở trên thì những điểm mới của Luật Doanh nghiệp hiện hành thể hiện mục tiêu này như sau:

Điểm mới thứ nhất đó là Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Việc này giúp Nhà nước ta có thể bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn cần thiết như: thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, … Đồng thời thực hiện một số cải cách khác về thuế môn bài, hóa đơn điện tử, … Bên cạnh đó, so sánh với Quốc tế và khu vực thì thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Chính vì thế, sự thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí, tạo thuận lợi trong quá trình gia nhập thị trường và khởi sự kinh doanh, nâng cao xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của quốc tế (cụ thể là đánh giá của WB).

Điểm mới thứ hai của Luật Doanh nghiệp 2020 đó là mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông. Việc mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông, mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý, thúc đẩy mô hình quản trị theo chuẩn mực và thông lệ Quốc tế,… Điểm này giúp Luật Doanh nghiệp 2020 cải thiện khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông. Theo kết quả hoạt động của các công ty niêm yết ở Việt Nam, thực tế đã cho thấy, các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị tốt có mức lợi nhuận trung bình cao hơn so với các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị kém. Do đó, quản trị công ty tốt không chỉ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm thiểu xung đột, tranh chấp nội bộ. Thêm vào đó, quản trị tốt giúp ngăn ngừa rủi ro, tạo hệ thống vận hành ổn định, kiểm soát tốt hơn thời gian và chi phí. Nhờ vậy mà doanh nghiệp có thể tập trung nhiều hơn cho việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Chính vì thế, thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2020 chính là hướng trực tiếp tới thúc đẩy quản trị doanh nghiệp. Tác động của Luật Doanh nghiệp ở đây được kỳ vọng là điểm đột phá, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần xây dựng lực lượng doanh nghiệp lớn mạnh về chất.

Điểm mới thứ ba đó là sửa đổi, bổ sung một số điều luật về Doanh nghiệp Nhà nước. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả Doanh nghiệp Nhà nước đã chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo sau: Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Doanh nghiệp Nhà nước. Luật Doanh nghiệp 2020 đã sửa đổi một số quy định về Doanh nghiệp Nhà nước như: khái niệm rõ ràng về Doanh nghiệp Nhà nước, mở rộng thành viên Ban Kiểm soát, bổ sung quy định về phạm vi đối tượng, người có liên quan (bao gồm thêm đối tượng: con rể, con dâu, anh em bên chồng), … Điểm cải tiến này giúp doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước, thúc đẩy phát triển thị trường vốn.

Như vậy, những thay đổi của khung pháp lý trong Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông, qua đó sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn, theo đó sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của thị trường vốn, giúp doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nguồn vốn vay từ tài chính tín dụng truyền thống. Việc này góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.


Xem Dịch vụ Doanh nghiệp

Hướng dẫn pháp lý khác

Liên hệ

LS. Nguyễn Thị Sắc

Luật sư cộng sự
0385507892
sacnt.92@gmail.com
LS. Nguyễn Thị Sắc

LS. Bùi Văn Sơn

Luật sư cộng sự
0912319032
son.bv@gplaw.com.vn
LS. Bùi Văn Sơn